Nét văn hóa trong xây dựng nếp sống gia đình ở Long Phú.
Ban Chỉ đạo phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Long Phú xác định, việc xây dựng gia đình văn hóa là vấn đề cốt lõi trong thực hiện phong trào, nên tùy vào thực tế, mỗi địa phương có cách làm khác nhau. Tuy nhiên, tất cả điều hướng đến nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình với xã hội. Hướng đến trách nhiệm của gia đình trong thực hiện Pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn tệ nạn xã hội …
Đồng chí Nguyễn Văn Biết, Huyện ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Long Phú, gia đình là tế bào của xã hội, với vai trò quan trọng trong giáo dục con người, xã hội muốn phát triển tốt đẹp thì từng tế bào phải mạnh. Theo đó, các Hội, đoàn thể huyện thực hiện nhiều phong trào xây dựng gia đình văn hóa : Gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; gia đình “ 5 không, 3 sạch”; gia đình nông dân hạnh phúc; gia đình hội viên cựu chiến binh gương mẫu … Để đạt được mục tiêu trên, địa phương tích cực tuyên truyền xây dựng gia đình văn hóa qua các buổi họp dân, sân khấu hóa, pa nô, áp phích, tờ rơi, phóng thanh … với nội dung giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ trẻ em, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ … Song song đó, thực hiện quy ước về nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy tình làng, nghĩa xóm. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa, tác động tích cực của xây dựng gia đình văn hóa đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều gia đình được vinh danh là tổ ấm hạnh phúc, nơi nuôi dạy con, cháu thành đạt, trở thành người có ích cho xã hội.
Chú thích ảnh : Chính quyền địa phương đến thăm gia đình văn tiêu biểu đồng bào Khmer.
Chú Thạch Sô Pho, một trong những gia đình văn hóa tiểu biểu của đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Bưng Thum xã Long Phú chia sẻ : “ Được sự quan tâm của Nhà nước, đời sống của bà con trong ấp ngày càng khấm khá, ai cũng phấn đấu làm ăn, chăm lo cho các con đi học đến nơi, đến chốn. Gia đình tôi luôn gương mẫu chấp hành quy ước khu dân cư, tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đặc biệt là tích cực tham gia bảo vệ môi trường, chấp hành Luật lệ giao thông, thực hiện việc cưới, việc tang trên tinh thần tiết kiệm, đoàn kết”.
Tính đến cuối năm 2019, huyện Long Phú có 25.598 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 90,10% trên tổng số dân; 60/61 ấp đạt danh hiệu ấp văn hóa, chiếm tỷ lệ 98,3%, trong đó có 55 ấp giữ vững danh hiệu, và 05 ấp được công nhận lại. 100% ấp có Nhà văn hóa, khu thể thao, trong đó có 50% Nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Có 09/09 xã đạt tiêu chí số 16, về văn hóa; 09/09 xã đạt tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông và có 07/09 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa. Trong năm 2019, UBND huyện Long Phú còn ban hành Quyết định công nhận 05 ấp của 02 xã (Trường Khánh và Phú Hữu) đạt chuẩn ấp Văn hóa nông thôn mới, nâng tổng số hiện có 10 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa nông thôn mới. 125/127 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Các xã đi đầu trong thực hiện phong trào là : Trường Khánh, Tân Thạnh, Long Đức, Song Phụng, Phú Hữu … Tiêu biểu là gia đình ông Liêng Khanh ở ấp Trường Thọ, xã Trường Khánh, với việc nhận thức rõ gia đình là môi trường quan trọng hình thành nhân cách, gia đình ông luôn chú trọng phát huy truyền thống gia đình, nuôi dạy con tốt : “ Vợ chồng tôi ý thức thực hiện nếp sống văn hóa, bởi từng gia đình văn hóa sẽ cấu thành xã hội vững chắc, góp phần thúc đẩy địa phương phát triển”. Ông Liêng Khanh chia sẻ.
Từ thực hiện phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỷ lệ hộ nghèo của huyện tính đến cuối năm 2019, giảm còn 4,89%, với 1.377 hộ, hộ cận nghèo giảm còn 1.892 hộ, chiếm tỷ lệ 6,71%. Đáng nói hơn, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng lên, người dân chủ động tự tháo dỡ cầu tiêu, chuồng trại trên sông; nhiều gia đình chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt Phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới”.
Bài và ảnh : Sóc Ca.